Tại các xã đã triển khai, những công trình NTM đem lại sự thay đổi rõ rệt cho bức tranh làng quê. Mỗi xã đã có ít nhất một công trình hạ tầng mới, nhiều xã có tới 4-5 công trình. Trong đó, nổi bật là phong trào kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, với tổng cộng 64.000km đường được trải bê-tông, nhựa đường tính đến cuối tháng 12-2012. Đặc biệt, để đạt tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, các xã đều chú trọng việc phát triển sản xuất, giúp nhau làm giàu, một trong những động lực để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM.
Tuy nhiên, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nhiều nơi vẫn còn triển khai chậm. Mới có 68% xã trong cả nước làm xong quy hoạch NTM. Các tỉnh vẫn còn khá “lề mề” như Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Quảng Trị, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Phước… Tại nhiều địa phương mặc dù đã xong quy hoạch nhưng cũng chưa có đề án, chưa biết triển khai như thế nào để có những xã NTM. Nhiều đề án chỉ nặng về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tư duy theo kiểu “dự án”.
Theo tìm hiểu từ nhiều địa phương, tiến độ xây dựng NTM chậm thường được đổ cho… thiếu kinh phí đầu tư nên chính quyền các xã loay hoay không biết triển khai ra sao. Bởi thế, tâm lý của nhiều xã là trông chờ nguồn vốn ở “trên” rót xuống, có vốn thì mới triển khai.
Để xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Cần làm cho người dân và các địa phương hiểu rằng, xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, như con đường, trụ sở làm việc, chợ búa, nhà văn hóa… mà trong 19 tiêu chí, có rất nhiều chỉ tiêu khác cần làm như xây dựng môi trường trong sạch, làm đẹp xóm làng, nâng cao đời sống văn hóa mới, cùng nhau phát triển sản xuất… mà những cái này không nhất thiết phải có nhiều tiền”. Bên cạnh đó, trong chương trình xây dựng NTM còn có nhiều dự án, chương trình lồng ghép khác được đầu tư cho các địa phương, như chương trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, chương trình xóa đói giảm nghèo, cho nông dân vay vốn ưu đãi…
Trong đó, Tuyên Quang mặc dù là một tỉnh nghèo nhưng đã có chính sách cứ 1km đường bê-tông sẽ hỗ trợ 200 tấn xi măng và toàn bộ cống qua đường (bằng 50% chi phí), nhờ vậy đã động viên bà con đóng góp, làm đường giao thông nông thôn. “Chỉ sau 2 năm, Tuyên Quang đã làm được 1.064km đường nông thôn, bằng chiều dài đoạn đường từ Hà Nội vào tới Quảng Ngãi. Có xã còn làm được 70km đường nông thôn, bằng từ Hà Nội xuống Phủ Lý (Hà Nam)”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Tại tỉnh An Giang cũng có chính sách kêu gọi doanh nhân và người hảo tâm đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn, trường học mang tên của họ nên đã có nhiều công trình hoàn thành mà không cần sự hỗ trợ của ngân sách.
Xây dựng nông thôn mới – một chủ trương lớn của Đảng nhưng cách làm mỗi nơi có những sáng tạo riêng. Song, điểm chung ở đây là không nhất thiết cứ phải rót thật nhiều tiền mới có nông thôn mới, mà quan trọng là ở tư duy mới và cách làm mới, biết khoan thư sức dân.