Trong bữa ăn, chỉ ăn 1 quả trứng gà có thể làm các loại axit amin khác được hoàn bị, nâng cao thêm chất lượng của các chất anbumin vào cơ thể dễ hấp thu hơn.
Những người thể chất suy yếu, phụ nữ sau khi đẻ, mỗi ngày ăn 1 quả trứng, vừa bổ khí huyết vừa khôi phục thể lực tương đối nhanh. Thanh thiếu niên thường xuyên ăn trứng gà với lượng vừa phải, rất có ích đối với sự sinh trưởng, phát triển trí lực.
Đối với trẻ nhỏ, trứng gà là thức ăn rất tốt, nhất là lòng đỏ trứng chứa chất sắt phong phú, dễ hấp thụ tiêu hóa, là thứ thực phẩm rất tốt của trẻ.
Sau đây xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc có trứng gà:
Canh trứng với táo: 2 quả trứng gà, 10 quả táo tầu, đường đỏ vừa phải, cho nước vào nấu thành canh ăn. Tác dụng: bổ khí huyết, dinh dưỡng cơ thể, điều trị người bệnh thiếu máu sau khi đẻ, sau khi chữa bệnh.
Nếu thêm 15g câu kỷ tử nữa thành món canh thích hợp với người suy nhược thần kinh, tinh thần hoảng hốt, mất ngủ, sức khỏe kém. Đối với người cơ thể suy nhược, thiếu máu, viêm gan mạn tính, thị lực giảm, ban đêm đi tiểu nhiều, lao phổi và tất cả những người bệnh mạn tính cũng có hiệu quả điều trị nhất định.
Trứng gà với hà thủ ô: Hà thủ ô 30g, 2 quả trứng gà, cho vào nồi nước nấu chín trứng, bỏ vỏ, rồi đun thêm 20 phút nữa, ăn trứng uống nước canh. Tác dụng: điều trị chứng tóc bạc sớm, rụng quá nhiều, chưa già đã yếu sức, di tinh, bạch đới, huyết hư, đại tiện bí, đầu váng, cơ thể suy yếu.
Trứng gà với xuyên khung: Trứng gà 2 quả, xuyên khung 40g, cho nước vào nồi, nấu như bài trên, ăn uống 1 ngày 1 lần. Tác dụng dưỡng huyết, làm máu hoạt động tốt, ích khí, điều hòa kinh nguyệt, hoặc thống kinh, hoa mắt, đầu váng.
Trứng gà với ích mẫu thảo: Trứng gà 2 quả, ích mẫu 30g, cho nước vào nồi nấu, trứng gà chín, bóc bỏ vỏ, đun thêm 10-20 phút nữa, ăn trứng, uống nước canh. Có công hiệu bổ huyết, hoạt huyết trừ ứ huyết, điều kinh, sau khi đẻ ra nhiều máu, xuất huyết tử cung, thống kinh.
Trứng gà với ngải cứu: Trứng 2 quả, lá ngải cứu 12g cho vào nấu canh ăn. Công dụng trị phụ nữ trụy thai, đẻ non thành quán tính. Nếu dùng: từ tháng thứ 2 sau khi có thai, cứ 10 ngày uống một lần; đến tháng thứ 3 sau khi có thai thì 15 ngày uống 1 lần, từ tháng thứ 4 đến ngày sinh thì mỗi tháng uống 1 lần, công hiệu rất tốt. Còn trị cả động thai, có thai đau bụng, thai không yên.
Trứng gà với nước cốt rau răm: Lấy 1 nắm lá rau răm giã vắt nước cốt hòa lòng trắng trứng gà 2 quả, đun sôi, ăn cả nước lẫn cái. Trị xích và bạch đới.
Trứng gà ngâm nước tiểu: Trứng gà 7 quả, ngâm vào nước tiểu trẻ em 7 tuổi (đồng tiện: trẻ 7 tuổi khỏe mạnh). Lấy bút ghi trứng số 1 đến số 7. Ngày thứ nhất ngâm quả số 1, ngày thứ 2 quả số 2. Đến ngày thứ 8 luộc chín quả số 1, ăn, ngày sau luộc chín quả số 2... Nhớ gõ nhẹ các quả trứng cho rạn vỏ một tí trước khi ngâm nước tiểu. Tác dụng: trị ho, hen suyễn, khò khè, suyễn kinh niên, khử phong đàm, mát phổi.
Canh trứng gà kỷ tử: Trứng gà 2 quả, câu kỷ tử 20g, táo tàu 7 quả. Trứng gà luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho vào nấu chung với câu kỷ tử, táo tàu đến khi sôi thì dùng được. Ăn trứng uống nước, ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần. Tác dụng nhuận phế thanh nhiệt, thích hợp với bệnh tiểu đường, phổi kết hạch.
Cháo trứng gà, hoài sơn: Lòng đỏ trứng gà 3 cái, hoài sơn tươi (củ mài) 30g, củ mài giã nhỏ cho nước sôi vào, để nguội rồi bắc lên bếp nấu, lấy đũa quấy đều, đun sôi 2-3 lần là được, cho lòng đỏ trứng gà vào đun qua. Dùng chữa chứng đi lỏng lâu không khỏi do tỳ vị khí hư yếu dẫn đến suy nhược cơ thể. Ngày ăn 3 lần lúc đói.